Mình vừa mới hoàn thành cuốn 21 bài học cho thế kỷ 21 cách đây không lâu. Dù mất hơn 1 tháng mân mê (và đọc không liên tục) nhưng mình khá hài lòng vì bản thân nội dung cuốn sách, những gì mình take away được và cách mình kiên nhẫn hơn với một cuốn non-fiction (đến mức giờ mình chỉ muốn đọc tiếp non-fiction như một cách tự học thêm kiến thức mới).

Để nói về cuốn 21 bài học thì nó khá đồ sộ, nhìn qua phần reference (tài liệu tham khảo) của tác giả thôi cũng mấy chục trang, chứng tỏ mức độ thông tin trong sách là rất lớn. Ngắn gọn thì điểm thu hút mình ở cuốn sách này là những vấn đề, những câu hỏi quan trọng trong thế kỷ 21 được tác giả đặt ra. Chúng không có đáp án hoàn chỉnh và ngay cả tác giả Yuval Harari cũng tuyên bố những gì mình viết không phải là tất cả, độc giả hoàn toàn có thể dabate, phản biện và tìm hiểu thêm về những chủ đề được nêu ra. Chính vì vậy đây là một cuốn sách mở, ngay cả khi mình đọc hết, đóng lại thì mình vẫn sẽ tiếp tục học thêm được điều mới. Điều làm mình hứng thú hơn là việc ghi chép lại những ý nổi bật trong sách và cố gắng tư duy để hiểu nó trong thời buổi hiện tại, vì sao nó đáng kể, vì sao cần quan tâm đến nó, nó ảnh hưởng gì tới mình,... Mình luôn bắt đầu với những câu hỏi như thế khiến cho việc đọc sách có tính gắn bó (attachment) hơn và tăng thôi thúc đọc, nghiên cứu thông tin của mình.

Con người có một khả năng đặc biệt là cùng lúc vừa biết, vừa không biết. Hay nói đúng hơn, họ có thể biết một cái gì đó khi họ thực sự nghĩ về nó; nhưng phần lớn thời gian, họ không nghĩ về nó, thế nên họ không biết.

Tác giả Yuval Noah Harari. Source: wsj.com

Tác giả Yuval Noah Harari. Source: wsj.com

Mang tâm thế của một người không-biết-gì làm mình thấy thoải mái, giống như một tờ giấy trắng đang chờ được fill vào. Việc thừa nhận rằng mình không biết, không có đủ kiến thức, trái ngược với xấu hổ, lại giúp mình có động lực học hỏi hơn. Và sau khi đọc 21 bài học, mình tin rằng bản thân đã gom được một tập (giấy) với đầy kiến thức hữu ích.

Trong phần đầu cuốn sách, tác giả nhắc tới những thách thức về công nghệ như nguy cơ kép về công nghệ thông tin và công nghệ sinh học; thách thức về chính trị như chủ nghĩ dân tộc, tôn giáo hay nhập cư. Nghe chừng có vẻ vĩ mô nhưng chúng sẽ tác động đến từng cá nhân, tuy nhiên con người không thể đơn độc giải quyết được các vấn đề này mà cần hợp tác, cùng liên kết để xử lý. Tiếp đó, tác giả trình bày các vấn đề “nặng ký” không kém như chủ nghĩa khủng bố, chiến tranh, chủ nghĩa thế tục,... nhưng càng về sau lại đi vào cá nhân hơn với “bài học” về Chúa, về sự khiêm nhường, ngu dốt hay ý nghĩa cuộc đời. Tựu lại, đây không phải cuốn sách có thể dễ dàng nắm bắt hết nội dung, chưa nói đến việc hiểu những thông tin đó.

<aside> 🌍 Trong các thế kỷ trước, bản sắc dân tộc được tạo ra vì con người phải đối mặt với các vấn đề và cơ hội vượt quá tầm vóc của các bộ lạc địa phương và chỉ có hợp tác toàn quốc mới mong giải quyết được. Trong thế kỷ 21, các quốc gia thấy mình ở hoàn cảnh giống hệt các bộ lạc: họ không còn là khung khuôn khổ hợp lý để giải quyết các thử thách quan trọng nhất của thời đại nữa. Chúng ta cần một bản sắc toàn cầu mới bởi vì các thể chế quốc gia không có khả năng giải quyết một loạt các vấn đề toàn cầu chưa từng có tiền lệ. - Chương 7 (Chủ nghĩa dân tộc)

</aside>

Đối với mình, tất cả bài học trong cuốn sách đều có ý nghĩa và tầm quan trọng lớn, nhưng nếu để chọn bài học mà mình thấy hữu ích và phù hợp nhất với bản thân của hiện tại thì đó là Công việc (Chương 2)Giáo dục (Chương 19). Trên thực tế mình có thể liên hệ hai chương này với nhau.

Khi công nghệ, trí tuệ nhân tạo và học máy đang phát triển với mức độ hơn bao giờ hết, công việc của con người bị đe dọa nghiêm trọng và không có gì đảm bảo cho tương lai của họ. Việc con người nhìn vào sự thật và thích nghi với sự cạnh tranh của công nghệ là cần thiết, nhưng để có thể không mất đi vị trí của mình ở thị trường lao động, con người cần nhiều hơn thế. Và ở đây giáo dục là chìa khóa. Những thứ con người được dạy, được học ngày nay có khả năng trở nên vô dụng trong tương lai gần, chính vì vậy con người cần liên tục đổi mới mình. Tuy nhiên, trong thời đại quá tải thông tin như hiện tại, con người phải biết chọn lọc thông tin quan trọng và tổng hợp chúng để có cái nhìn tổng thể về thế giới.

Mặt khác, thay vì tập trung các kỹ năng kỹ thuật, con người nên đề cao kỹ năng đối phó với thay đổi, học điều mới và duy trì cân bằng tâm lý trong các tình huống xa lạ. Trong phần Giáo dục, Yuval Harari có nhắc đến 4 chữ C tương ứng với 4 kỹ năng đa mục đích sống, là công cụ để con người duy trì vị thế của mình trước những biến đổi không lường trước. 4 kỹ năng này bao gồm: critical thinking (tư duy phản biện), communication (giao tiếp), collaboration (hợp tác) và creativity (sáng tạo).

Source: gatesnotes.com

Source: gatesnotes.com

21 bài học cho thế kỷ 21 là cuốn đầu tiên của Yuval Noah Harari mà mình hoàn thành. Sau khi nhìn vào quá khứ ở Sapiens hay tương lai trong Homo Deus, Harari cho thấy con người, hơn hết, cần nhìn vào hiện tại - thế kỷ 21 với những mối nguy cận kề mà ta không nên thờ ơ thêm nữa. Dù không còn sớm nhưng chưa quá muộn khi thế kỷ 21 mới đi qua 1/5 chặng đường, và ta còn thời gian để thực sự đưa các vấn đề lên bàn cân tính toán.

Sự không hoàn hảo, không hoàn thiện của cuốn sách này là khoảng trống để mỗi người đọc tự tìm hiểu và lấp đầy. Cũng vì thế mà cả người đọc lẫn tác giả đều có cơ hội để tư duy, trao đổi và học hỏi thêm từ những quan điểm khác nhau. 21 bài học cho thế kỷ 21 có thể coi như một cuốn sách tham khảo hơn là sách giáo khoa, và những kiến thức trong đó thường kết thúc bởi dấu hỏi hơn là dấu chấm.

<aside> ⭐ Một cuốn sách để đọc, để nghĩ và để phòng bị cho tương lai.

</aside>